Bản Tả Phìn ở Sapa
Bản Tả Phìn - Sa Pa
Trang phục mặc vào thăm bản không mặc loại lanh trắng chưa nhuộm, đó là màu sắc của tang lễ và khi gia chủ mời uống nước, uống rượu, nếu khước từ thì khách nên có lời nói khéo léo để chủ nhà hiểu, thông cảm, chớ úp bát xuống bàn, chỉ thầy cúng mới được phép làm như vậy để đuổi tà ma.
Mùa gặt ở Tả Phìn
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Lào Cai
Nhà người Mông xây dựng có cây cột to chôn sâu xuống đất, đụng cao đến nóc nhà, các cột khác nhỏ hơn. Cột đều kê trên mặt đất, cột cao nhất gọi là cột cái, nơi con ma trú ngụ, du khách không treo quần áo, ngồi dựa lưng vào cây cột “linh hồn” đó. Khách ngồi uống rượu cần, giao lưu, chuyện trò cùng gia chủ không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước. Người Mông cho rằng hành vi đó là bày tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường người tiếp chuyện. Tối kỵ là không huýt sáo khi dạo chơi ngắm cảnh bản, người dân bản cho rằng âm thanh tiếng huýt sáo là gọi ma quỷ về bản. Đó là một số điều mà mọi du khách đến thăm các làng bản trên Sapa cần lưu ý để có một chuyến du lịch tuyệt vời nhất. Du khách đến với nơi đây đừng quên tắm nước suối được pha nhiều vị lá cây của người Dao đỏ sẽ làm cho nước da săn chắc, khỏe khoắn.
Ruộng bậc thang của người Dao đỏ tại Tả Phìn
Gần bản Tả Phìn có hang động Tả Phìn, cửa hang cao khoảng 5m rông 3m có một lối đi xuyên xuống đất. Vào trong động, du khách sẽ nhìn thấy có tảng đá giống như thiếu phụ đang bồng con, những tảng đá giống như các nàng tiên, chỗ thì như những mâm xôi khổng lồ… Tại chỗ rộng nhất trong hang, các nhũ đá rủ xuống như dải đăng ten uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Vào sâu ta gặp một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Một vách đá đối diện, những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến ngày nay mặc dù bụi thời gian phủ lên ta vẫn còn đọc được. Hang động Tả Phìn có rất nhiều bí ẩn với chúng ta, cần được bảo vệ và giữ gìn.
Hang Tả Phìn
Trên đường quốc lộ 4D về thành phố Lào Cai, ra khỏi thị trấn Sa Pa chừng 4 cây số có một ngã ba rẽ vào con đường nhựa nhỏ, đi một đoạn sẽ gặp trạm thu phí. Mỗi người một vé 20.000 đồng. Tiếp tục chạy vào thêm khoảng 18 cây số nữa thì đến bản Tả Phìn.
Nhiều đoạn, xe chạy men sườn đồi, hai bên là những thửa ruộng bậc thang đang xanh màu lá mạ, bờ ruộng uốn lượn ôm sát lưng đồi tạo nên những đường cong mềm mại, lả lướt như những gợn sóng nhấp nhô trong thung lũng. Xa tít chân trời, trên sườn núi đá là những khoảnh xanh um những nương ngô (bắp). Cảnh sắc thơ mộng ấy giúp chúng tôi quên cảm giác sợ hãi của “con đường đau khổ” dài tít tắp này!
Người bán vé ở trạm thu phí cho biết, tiền vé được sẽ dùng tu bổ con đường vào bản Tả Phìn, phục vụ khách du lịch. Chẳng biết mấy năm nay người ta đã thu được bao nhiêu tiền mà đến nay, con đường chỉ được trải nhựa một đoạn từ ngã ba nối quốc lộ 4D vào một đoạn sau khi qua trạm, còn lại là những đoạn trơ đá xanh, thậm chí có nhiều nơi mặt đường có những hố khá sâu đọng đầy nước mưa.
Góc nhà của người Dao đỏ
Còn cách trung tâm bản Tà Phìn chừng 500 thước, đã thấy một nhóm khoảng 50 phụ nữ trùm đầu khăn đỏ che kín mái tóc với một phần trán và chân mày cạo sạch, áo quần màu xanh đen có nhiều hoa văn đỏ, trắng ở cổ và tà áo. Có cả thắt lưng, xà cạp và giày dép. Dao Đỏ là dân tộc có số dân đứng thứ hai sau người H’Mông ở Sa Pa. Dịp tết cổ truyền của người Kinh cũng là dịp người Dao Đỏ ăn mừng “Tết nhảy” của họ, một ngày hội rất sống động.
Một ngày bình thường của dân bản
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Sa Pa
Xe vừa dừng lại, đã thấy những phụ nữ Dao Đỏ nầy chỉ trỏ vào những người ngồi trong xe. Thoạt trông, cứ tưởng như lần đầu tiên họ thấy người lạ vào bản. Nhưng hóa ra đó là họ cánh họ “xí phần”, chọn khách để đeo bám theo chào bán hàng thổ cẩm. Tựa như trong Nam, khi xe khách vào bến, các bác tài xe ôm thường bu quanh cửa xe và hô lên “ông tóc bạc”, “anh áo xanh”, “túi xách đen”… để mời khách đi xe.
Hàng hóa của những phụ nữ Dao chào bán là những chiếc ba lô, áo khoác du lịch, khăn, túi xách tay, ví đựng tiền… và có cả những món “thời thượng” như túi đựng máy ảnh compact và những chiếc ví đựng điện thoại di động rất tiện dụng. Sản phẩm có nhiều giá, tùy theo kích thước, hoa văn cầu kỳ hay đơn giản... Giá bèo nhất 10.000 đồng/sản phẩm, cao nhất đến 1 triệu đồng, như đôi bông tai bằng bạc, tinh xảo trong từng nét chạm khắc.
Bữa ăn thịnh soạn vào những dịp lễ tểt của dân bản
Chúng tôi vào Nhị Xà quán, nằm giữa bản Tả Phìn. Chủ quán là một anh chàng người Kinh, đẹp trai, chưa vợ, miệng dẻo quẹo, xăng xái dọn thức ăn lên bàn. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn do đã đặt trước qua điện thoại, gồm một dĩa thịt lợn cắp nách kho, một dĩa thịt gà bản xào sả, một tô canh thịt lợn nấu măng và sấu, cùng một thố cơm. Anh ta hào phóng tặng chúng tôi một dĩa lòng lợn và chai rượu san lùng đặc sản vùng cao phía Bắc. Thức ăn chẳng hợp khẩu vị, tệ nhất là dĩa lòng lợn, tất cả dù được hâm nhưng chỉ âm ấm. Một suất (người) ăn hết 80.000 đồng. Ăn xong, vài người lên gác nằm lấy sức.
Sản phẩm thổ cẩm rực rỡ của dân bản Tả Phìn
Rời quán cơm, mỗi người chúng tôi lại được một nhóm người Dao Đỏ “hộ tống”. Họ nói tiếng Việt khá sõi, lại khá lưu loát thứ tiếng Anh “bồi” khi gặp khách nước ngoài. Họ đeo bám không rời để bán thổ cẩm đang cầm trên tay hoặc đựng trong tay nải. Kim chỉ là một nghề có thương hiệu của người Dao Đỏ, thu hút rất nhiều khách du lịch. Đặc biệt ngoài các phụ nữ lớn tuổi còn có nhiều thiếu nữ rất trẻ (chỉ chừng 14 - 15 tuổi) địu sau lưng đứa nhỏ mặt mày đen nhẻm. Hỏi mới biết là người Dao Đỏ có tục tảo hôn nên các cô gái vừa dậy thì ở tuổi 13 đã có chồng.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Dao đỏ
Chúng tôi theo một con đường đất trơ trụi, không một bóng cây nhưng cảnh trí khá đẹp mắt, hai bên đường là những thửa ruộng xanh ngăn ngắt chia làm nhiều ô nhỏ. Đi chừng 1 cây số thì tới một chân núi cao, nơi có một hang động người địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm. Trước cửa động, trên cao, có khắc 6 chữ : “Đại Bình Tả Thanh Long Động”. Với 5.000 đồng vào động sẽ có người cầm đèn đưa khách tham quan.
Ti Ổ Cẩm là một hang động rộng lớn, có thể chứa tới một trung đoàn lính. Vào hang, trong ánh sáng đèn, khách như lạc vào một cõi tiên, mê đắm chiêm ngưỡng những thạch nhũ có nhiều hình thù kỳ quái. Có chiếc như một vị tiên đang múa điệu Nghê Thường. Có nơi nhiều thạch nhũ tạo thành quần thể nhiều vị tiên đang đàm đạo nơi chốn bồng lai. Có những chiếc tụ lại thành một rừng cây, lại là rừng cây lấp lánh những sắc màu kỳ ảo...
Dù là một điểm du lịch còn vẻ hoang sơ, nhưng Tả Phìn cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khách từ miền xuôi lên. Khách từ phương Tây đến. Ai cũng hăm hở, thích thú ngắm nhìn cảnh trí thiên nhiên với người Dao Đỏ hiền hòa, chịu thương chịu khó.
Những phụ nữ Dao đỏ duyên dáng
Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, mấy cụ bà mắt mũi kèm nhèm ngồi bên hiên nhà, cần mẫn, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho chiếc thổ cẩm trên tay mỗi lúc một đẹp xinh. Thoáng thấy khách lạ, các bà cụ nầy nhoẻn nụ cười bày ra mấy chiếc răng bịt đồng vàng chóe. Là những thiếu nữ lội bộ hàng chục cây số đến đây, đeo bám khách mong bán được sản phẩm nào đó để có thêm thu nhập cho gia đình. Vì, anh chồng ở nhà làm ruộng, tới mùa thu hoạch chẳng bao nhiêu thóc.
Đến bản Tả Phìn, phần lớn du khách háo hức mua một vài món hàng dệt thổ cẩm của dịa phương. Nhưng có một dịch vụ hấp dẫn, không nên bỏ qua là đi tắm lá thuốc - một nét độc đáo trong sinh hoạt của người Dao Đỏ nơi đây.
Tắm lá thuốc là một dịch vụ độc đáo tại bản Tả Phìn
Vào bản Tả Phìn, thấy ở đâu có sân phơi đầy các loại cây, lá thuốc, khách cứ tự nhiên bước vào nếu muốn xông hơi, tắm lá thuốc. Từ xưa, người Dao thường dùng những vị thuốc lá từ trên rừng về nấu nước tắm vào ngày cuối năm để đón năm mới. Nhận thấy việc tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe, người dân Tả Phìn đã biến nó thành sản phẩm độc đáo, phục vụ khách du lịch.
Để tắm lá thuốc theo truyền thống của người Dao Đỏ, mỗi thùng nước tắm thường dùng đến hơn 10 loại lá thuốc, thậm chí có khi dùng tới 120 loại khác nhau. Cũng như các tiệm spa, tắm hơi ở thành thị, các nhà tắm lá thuốc nơi đây có tủ đựng quần áo và tài sản cá nhân cho khách. Trong căn phòng nhỏ kín đáo, hơi nước nóng từ bồn gỗ pơ-mu tỏa ra mù mịt, xông làn hương thảo dược quyện mùi thơm từ gỗ bồn tắm làm khỏe người, thần kinh thư giãn. Trong phòng có thùng nhựa đựng nước lạnh để khách pha vào nước lá thuốc có màu huyết dụ, sóng sánh như rượu vang Bordeaux.
Khi thấy nước nóng vừa với cơ thể mình thì thả người vào. Ngâm mình trong bồn tắm, hít thở làn hơi nước nóng ấm ngào ngạt hương thơm, càng lúc bạn càng nghe cơ thể mình sảng khoái, nhẹ nhàng. Chỉ nên ngâm mình chừng 15 - 20 phút thì bước ra khỏi bồn. Bấy giờ bạn sẽ có cảm giác cơ thể mình sạch sẽ tinh tươm như được ai đó kỳ cọ, lại thấy da dẻ hồng hào, tươi nhuận, mặt mày ửng hồng, nếu là phụ nữ trung niên sẽ cảm thấy mình như thiếu nữ hây hẩy xuân thì... Nếu muốn, với 200.000 đồng, khách sẽ được hưởng một suất massage toàn thân “đáng đồng tiền bát gạo”.
Bồn tắm lá thuốc
Phòng tắm lá thuốc có hai loại: đơn và đôi dành cho những cặp tình nhân hoặc vợ chồng tắm chung. Tắm đơn một suất 70.000 đồng. Tại Hợp tác xã Dao Đỏ Sa Pa tắm lá thuốc truyền thống, ngâm chân gia truyền ở đội 4 xã Tả Phìn người ta còn bán các sản phẩm thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh. Họ còn nấu nước lá thuốc cô đặc cho vào chai nhựa để khách mua đem về nhà pha tắm. Nước ngâm chân 100.000 đồng/chai 350ml, nước tắm cho phụ nữ 80.000 đồng/chai 350ml. Theo hướng dẫn dán quanh thân chai, ngâm chân thì đổ 5ml vào 2-3 lít nước ấm, ngâm chân trong khoảng 15-20 phút; tắm thì rót nửa chai pha 20-30 lít nước ấm, cũng ngâm mình trong khoảng thời gian nêu trên. Nếu ngâm quá lâu sẽ có cảm giác say như say sóng, say thuốc lào!
Tắm lá thuốc rất có lợi cho sức khỏe
Theo người Dao Đỏ ở Tả Phìn cho hay, tắm lá thuốc hoặc ngâm chân lá thuốc dài lâu sẽ thấy dược dụng của các loại lá thuốc, chữa trị được các bệnh: phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, tổ đỉa, các bệnh ngoài da, ho, vàng da, đau lưng, đau gan. Đặc biệt, phụ nữ tắm nước lá thuốc da dẻ mịn màng, nhất là sản phụ sau khi sanh máu huyết lưu thông. Tắm lá thuốc, các cụ già phòng chống được các bệnh dai dẳng khó chịu của một con người bị thời gian “hành hạ”.